Ô tô điện vừa được giới thiệu tại triển lãm quốc tế Motorshow Việt Nam
Đường sá Việt Nam lại hay ngập nước, nếu rò rỉ điện có thể gây giật chết người tham gia giao thông.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã có văn bản đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, ô tô điện không phải đáp ứng điều kiện cho cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hay những điều kiện về phần mềm thiết bị sửa chữa phải có bản quyền của hãng sản xuất… như ô tô chạy nhiên liệu xăng dầu.
Nguy hiểm
VCCI giải thích rằng việc loại bỏ xe điện ra khỏi nghị định trên nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển loại xe này tại Việt Nam. Mặt khác, do đây là loại xe mới, nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ có một số ít sản xuất hàng loạt.
Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.
“Ngoài ra, do lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới chín chỗ, các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, giải thích.
Tuy nhiên, nhiều hãng xe cho rằng kiến nghị của VCCI là “sai lầm”. Ông Vũ Đô Thành, Trưởng đại diện Mercedes Benz Việt Nam tại Hà Nội, cảnh báo nếu loại ô tô điện ra khỏi ngành kinh doanh có điều kiện thì rất nguy hiểm cả cho lái xe lẫn người tham gia giao thông.
Campuchia làm ô tô điện từ lâu, VN vẫn tranh cãi
Ô tô điện vừa được giới thiệu tại triển lãm quốc tế Motorshow Việt Nam. Trong ảnh: Mẫu xe điện Leaf của hãng Nissan. Ảnh: Quang Huy
“Nếu không có trạm bảo hành, bảo dưỡng, cơ sở sửa chữa xe điện thì khó đảm bảo tính an toàn trong quá trình sử dụng. Vì công nghệ của ô tô điện rất phức tạp, rất nguy hiểm nếu sửa chữa không đúng tiêu chuẩn. Hơn nữa đường sá Việt Nam lại hay ngập nước, nếu rò rỉ điện có thể gây giật chết người tham gia giao thông khác” - ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Đại, đại diện một hãng xe nhập khẩu từ châu Âu, cho rằng phát triển ô tô điện thì cần hệ thống sạc điện, trạm nạp nhiên liệu. Hệ thống này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, theo dõi của chính các hãng sản xuất vì nguy cơ chập điện, cháy nổ, mất an toàn cao. Thực tế ở châu Âu đã có một số trường hợp người sửa ô tô điện gặp rủi ro, thậm chí tử vong vì ô tô điện sử dụng nguồn điện cao thế.
“Ngay cả sạc điện ở nhà cũng phải có bộ chuyển đổi đồng bộ, nguồn điện phải đạt đủ vì nó có thể gây cháy nổ. Chính vì vậy tại các nước có thị trường ô tô điện phát triển, khi mua một chiếc xe điện, hãng sản xuất phải tới tận nhà khách hàng khảo sát, kiểm tra hệ thống điện, hỗ trợ người mua xe” - ông Đại dẫn chứng.
Cần chính sách ưu đãi đầu tư
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá ô tô chạy bằng điện là xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Vì vậy những nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… đang đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng để phát triển loại xe này.
Việt Nam cũng đang nằm trong xu hướng chung này. Song để phát triển ô tô điện thì Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ và có thể làm từ thấp đến cao (chẳng hạn bắt đầu từ vỏ xe) chứ không phải là thả lỏng kiểm soát vấn đề an toàn để kích thích loại xe này phát triển. Ông Đại dẫn chứng: “Ngay cả hãng xe điện Tesla (Mỹ) được coi là lớn nhất thế giới còn không có chính sách mở đại lý, họ tự làm vì muốn đảm bảo tốt nhất chất lượng cho người tiêu dùng, chịu trách nhiệm vì công nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì vậy cần siết lại các điều kiện về nhập khẩu, bảo hành, sửa chữa đối với ô tô điện”.
Trưởng đại diện Mercedes-Benz Việt Nam, ông Vũ Đô Thành, cũng cho rằng nếu muốn phát triển xe điện thì nên có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm về thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển trạm sạc điện… Còn các điều kiện như sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thì cần áp dụng như với ô tô chạy nhiên liệu xăng dầu.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô, nhận định ô tô điện có ưu điểm lớn nhất là góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng trước mắt nên hỗ trợ phát triển ô tô điện bằng cách ưu đãi cho các hãng xe phát triển thử nghiệm, phân phối loại xe chạy điện kết hợp xăng.
0886619729